Lịch sử phát triển

VIỆN KHOA HỌC SỞ HỮU TRÍ TUỆ: 10 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

 

Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Viện) được thành lập năm 2007 theo Quyết định số 846/QĐ-BKHCN ngày 24/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN). Viện là cơ quan sự nghiệp KH&CN công lập trực thuộc Bộ KH&CN, thực hiện các chức năng chính: nghiên cứu khoa học; đào tạo, huấn luyện; giám định, tư vấn và định giá trong lĩnh vực SHTT.

Qua 10 năm thành lập và trưởng thành, đến nay (31/12/2016) Viện có gần 30 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó 90% số lượng cán bộ có trình độ từ đại học trở lên (2 tiến sỹ, 7 thạc sỹ).

Về hoạt động nghiên cứu khoa học: hàng chục đề tài cấp quốc gia, cấp bộ và gần 70 đề tài cấp cơ sở đã được Viện thực hiện theo đặt hàng, trong đó tập trung vào các chủ đề: 1) các phương pháp,  kỹ thuật giám định, định giá sáng chế, kiểu dáng, nhãn hiệu...; 2) các công cụ quản trị tài sản trí tuệ (TSTT), các khía cạnh kinh tế, kỹ thuật liên quan đếnTSTT và các xu hướng mới trong bảo hộ SHTT trên thế giới hiện nay.

Về hoạt động đào tạo, huấn luyện: hướng tới việc bồi dưỡng kiến thức, huấn luyệnkỹ năng quản trị chiến lược TSTT, quản lý hoạt động tạo dựng, phát triển, bảo vệ, thương mại hóa TSTT cho các doanh nghiệp Việt Nam. Được triển khai từ năm 2008, Chương trình đào tạo quản trị TSTT do Viện phối hợp với Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh  với các chuỗi module từ cơ bản đến nâng cao dành cho các loại đối tượng học viên khác nhauđã bước đầu gây dựng được đội ngũ quản trị viên TSTT đầu tiên của Việt Nam. Đã có khoảng 600 lượt học viên tham dự Chương trình đào tạo này với các cấp độ khác nhau và trong thời gian tới Viện sẽ tiếp tục triển khai chương trình này  với quy mô rộng hơn tại các tỉnh, thành phố khác nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực quản trị viên TSTT của các tổ chức/doanh nghiệp.

Về hoạt động tư vấn, giám định, định giá về SHCN: Từ khi triển khai hoạt động tư vấn, giám định (tháng 9/2009) và định giá, Viện đã tiếp nhận, giải quyết và cung cấp ý kiến chuyên môn theo yêu cầu của nhiều cơ quan thực thi, tổ chức và cá nhân .Riêng trong công tác giám định SHCN, số lượng yêu cầu mà Viện tiếp nhận, xử lý có xu hướng gia tăng (khoảng 15%/năm), tính đến tháng 12/2016 Viện đã tiếp nhận và xử lý gần 3.800 yêu cầu giám định liên quan tới sáng chế, kiểu dáng, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý.

Định hướng trong thời gian tới: Trong thời gian tới, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Viện sẽ tiếp tục phát triển theo hướng tăng cường hoạt động nghiên cứu lý luận và thực tiễn về các vấn đề mới, then chốt về SHTT, phục vụ xây dựng chiến lược quốc gia về SHTT và hoàn thiện hệ thống SHTT phục vụ phát triển kinh tế;  triển khai với quy mô sâu rộng các chương trình đào tạo, huấn luyện dành cho doanh nghiệp, các tổ chức KH&CN, cá nhân nhằm nâng cao hiểu biết, kỹ năng quản trị, phát triển hiệu quả TSTT; triển khai cung cấp các dịch vụ về SHCN  một cách đa dạng, có chất lượng cao  đáp ứng yêu cầu của xã hội, bao gồm các dịch vụtư vấn, giám định,  định giá, thông tin,  quản trị TSTT.          Cùng với việc chú trọng củng cố, nâng cao năng lực của Viện,sự chỉ đạo, quan tâm của Lãnh đạo Bộ KH&CN, mối quan hệ hợp tác, đối tác giữa Viện với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác sẽ tiếp tục được chú trọng nhằm không chỉ phục vụ công tác quản lý nhà nước về SHTT mà còn nâng cao hơn nữa vai trò của Viện trong việc hỗ trợ các chủ thể khác nhau của nền kinh tế tiếp cận và sử dụng có hiệu quả các công cụ về SHTT vì mục tiêu phát triển..