LỜI GIỚI THIỆU CỦA VIỆN TRƯỞNG

Kính thưa Quý vị,

          Hệ thống Sở hữu trí tuệ (Hệ thống SHTT) của Việt Nam đã được hình thành từ những năm thập kỷ 80 của Thế kỷ trước. Thời gian phát triển gần 40 năm không phải là dài so với hệ thống SHTT của các nước phát triển nhưng Hệ thống SHTT của chúng ta cũng đã khắc ghi những sự kiện, tạo thành dấu ấn quan trọng, gắn liền với các sự kiện quan trọng trong quá trình phát triển của Đất nước: Chuyền đổi tư nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ và ký Hiệp định song phương với Hoa Kỳ; đàm phán và trở thành Thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới; hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hơn bằng việc đàm phán, ký kết hàng loạt các Hiệp định thương mại đa phương và song phương, tiêu biểu là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương.

         Sau khi đã đạt mục tiêu đáp ứng các tiêu chuẩn của Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền SHTT, để cùng với các lĩnh vực khác góp phần đưa Việt Nam trở thành Thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO, chúng ta lại đứng trước yêu cầu hội nhập và nghĩa vụ thực hiện các cam kết  về SHTT trong các Hiệp định Thương mại thế hệ mới nêu trên, Hệ thống SHTT của Việt Nam, một lần nữa, lại được đặt trước nhiều thách thức mới to lớn hơn. Trước hết là phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn về SHTT đã được cam kết. Sau đó và quan trọng hơn hết là phải làm sao Hệ thống SHTT mới vận hành hiệu quả, thể hiện được vai trò tích cực, đóng góp thực sự cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước.

         Trước những thách thức nêu trên, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Viện KH SHTT) cho rằng:

         (i) Để vượt qua thách thức, bên cạnh việc hoàn thiện lý luận về SHTT để có cơ sở hoàn thiện Hệ thống pháp luật về SHTT, chúng ta cần xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cho Hệ thống SHTT: đào tạo, phát triển đội ngũ có hiểu biết, kỹ năng về SHTT để vận hành Hệ thống; nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về SHTT và tài sản trí tuệ để khai thác hiệu quả Hệ thống SHTT trong việc tạo ra, bảo hộ tài sản trí tuệ, quản trị hiệu quả tài sản trí tuệ của mình;

          (ii) Hệ thống các cơ quan quản lý, cơ quan hỗ trợ, bổ trợ, dịch vụ và bảo đảm thực thi quyền SHTT cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm, làm đối tác, khách hàng để hợp tác, phục vụ;

          (iii) Chúng ta cần đầu tư không chỉ cho hoàn thiện hệ thống pháp luật về SHTT mà còn đầu tư cho phát triển năng lực của hệ thống các cơ quan quản lý, bảo đảm thực thi, hỗ trợ, bổ trợ và dịch vụ về SHTT cho tương xứng với yêu cầu và đòi hỏi của doanh nghiệp trong việc khai thác hiệu quả Hệ thống SHTT.

          Để góp phần vượt qua các thách thức nói trên, Viện KH SHTT - là đơn vị thuộc Bộ KHCN, có chức năng nghiên cứu, đào tạo, tư vấn, giám định và định giá tài sản trí tuệ - trong thời gian tới, trên cơ sở duy trì các hoạt động đã được triển khai nề nếp, sẽ tập trung phát triển theo định hướng sau:

          (i) Tiếp tục tăng cường nghiên cứu các vấn đề mới về SHTT, phục vụ xây dựng chiến lược quốc gia về SHTT và hoàn thiện hệ thống pháp luật về SHTT;

          (ii) Phối hợp với các tổ chức liên quan triển khai diện rộng các chương trình đào tạo doanh nghiệp để nâng cao nhận thức, kỹ năng khai thác hiệu quả Hệ thống SHTT và quản trị, phát triển hiệu quả tài sản trí tuệ;

         (iii) Phát triển các dịch vụ về SHTT đa dạng về hình thức, thuận lợi cho việc sử dụng theo yêu cầu của doanh nghiệp: tư vấn chung về SHTT; giám định về SHCN; định giá tài sản trí tuệ;  quản trị tài sản trí tuệ; khai thác thông tin sở hữu công nghiệp (SHCN)…

          Để thực hiện tốt định hướng nêu trên, bên cạnh giải pháp phát triển năng lực nội tại của mình và tranh thủ sự chỉ đạo, quan tâm của Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ; Viện sẽ tiếp tục duy trì, phát triển mối quan hệ hợp tác, đối tác với các đơn vị quản lý, sự nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực khoa học và công nghệ và SHTT nói riêng, để không chỉ là đơn vị trực tiếp thực hiện các hoạt động phục vụ công tác quản lý nhà nước về SHTT, trực tiếp thực hiện các dịch vụ phục vụ doanh nghiệp mà còn là cầu nối – tổ chức trung gian – giữa doanh nghiệp và các cơ quan, đơn vị khác.

          Trang thông tin điện tử của Viện KH SHTT, bên cạnh các tin tức, sự kiện trong và ngoài nước về SHTT, còn là nơi để các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan tìm hiểu, nghiên cứu về SHTT, sử dụng các dịch vụ về SHTT, khai thác hàng loạt cơ sở dữ liệu thông tin SHCN; truy cập đến các Trang tin quan trọng khác của các tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước liên quan đến SHTT.

          Với phương châm phục vụ TẬN TÌNH, hợp tác HIỆU QUẢ để cùng phát triển BỀN VỮNG, thông qua Trang thông tin này, Viện KH SHTT hy vọng sẽ được phục vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về SHTT của doanh nghiệp và các cơ quan liên quan.

          Viện KH SHTT mong muốn nhận được và trân trọng tiếp thu các ý kiến góp ý, phê bình có trách nhiệm của tất cả các tổ chức, cá nhân quan tâm, để Trang thông tin này ngày càng hữu ích, đáng truy cập ngay khi cần các tin tức về SHTT và thông tin SHCN.

          Viện KH SHTT rất mong được đáp ứng các yêu cầu cũng như nhận được sự hợp tác, giúp đỡ của tất cả các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thực hiện các chức năng của mình, trong công cuộc hoàn thiện, phát triển Hệ thống SHTT cũng như hỗ trợ khai thác hiệu quả Hệ thống SHTT phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước.

          Trân trọng cảm ơn Quý vị !

Hà Nội, ngày 28/12/2016

Tạ Quang Minh

Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ