Viện Sở hữu trí tuệ quốc gia – Tên giao dịch tiếng Anh: Vietnam Intellectual Property Research Institute (Viết tắt là VIPRI) là đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN). Theo quy định tại Quyết định số 520/QĐ-BKHCN của Bộ trưởng Bộ KH&CN ngày 09/4/2025, Viện Sở hữu trí tuệ quốc gia có các chức năng và nhiệm vụ sau:
1. Giám định sở hữu trí tuệ
a) Tiếp nhận, thực hiện việc giám định sở hữu trí tuệ theo yêu cầu, trưng cầu của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, phục vụ công tác bảo đảm thực thi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nhằm góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ;
b) Cung cấp luận cứ khoa học, thực tiễn nhằm thống nhất diễn giải quy định của pháp luật về phạm vi bảo hộ, đánh giá tính tương tự, đánh giá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, xác định giá trị thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, phục vụ quản lý nhà nước về giám định sở hữu trí tuệ;
c) Xây dựng, áp dụng nguyên tắc, quy trình, phương pháp, công cụ thông tin, tra cứu, phần mềm phục vụ giám định sở hữu trí tuệ.
2. Tham mưu, hỗ trợ, tư vấn về sở hữu trí tuệ và quản trị tài sản trí tuệ
a) Trợ giúp pháp lý, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm chuyên môn về sở hữu trí tuệ, quản trị tài sản trí tuệ cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp;
b) Hỗ trợ các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khai thác thông tin sở hữu trí tuệ;
c) Hỗ trợ công tác tạo dựng, xác lập quyền, khai thác, sử dụng, bảo vệ và quản lý tài sản trí tuệ ở trung ương và địa phương;
d) Tư vấn giải quyết các vụ việc xung đột, tranh chấp, khiếu nại về sở hữu trí tuệ;
đ) Phản biện các chương trình, chính sách, văn bản pháp luật, các quy định hành chính về sở hữu trí tuệ.
3. Huấn luyện, bồi dưỡng nhân lực về sở hữu trí tuệ và quản trị tài sản trí tuệ
a) Tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề về sở hữu trí tuệ và quản trị tài sản trí tuệ;
b) Xây dựng chương trình, biên soạn bài giảng, tài liệu phục vụ cho việc đào tạo, huấn luyện về sở hữu trí tuệ và quản trị tài sản trí tuệ;
c) Tổ chức các lớp huấn luyện, bồi dưỡng nhân lực về sở hữu trí tuệ và quản trị tài sản trí tuệ;
d) Biên soạn, biên dịch, ấn hành các tài liệu hướng dẫn, tham khảo, giới thiệu kết quả nghiên cứu về sở hữu trí tuệ và quản trị tài sản trí tuệ;
đ) Tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật về sở hữu trí tuệ.
4. Nghiên cứu, khai thác thông tin sở hữu trí tuệ
a) Nghiên cứu vai trò của thông tin sở hữu trí tuệ đối với hoạt động khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo;
b) Nghiên cứu cơ chế, chính sách và giải pháp đẩy mạnh hoạt động khai thác thông tin sáng chế; nghiên cứu, tìm kiếm, đánh giá phân loại và phân tích thông tin sáng chế theo các lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật, ngành công nghiệp và thị trường; lập bản đồ sáng chế, nghiên cứu xu hướng phát triển sáng chế trên thế giới và ở Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ chiến lược, công nghệ cao. Thực hiện hoạt động thống kê, xây dựng, cập nhật, quản lý và khai thác hệ cơ sở dữ liệu sáng chế - sáng kiến và thông tin công nghệ;
c) Nghiên cứu mô hình quản lý và cơ chế khai thác thông tin sáng chế nhằm hỗ trợ các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp thương mại hóa, khai thác sáng chế; triển khai, hỗ trợ hoạt động đánh giá, thống kê xác định nhu cầu khai thác sáng chế, sáng kiến cải tiến kỹ thuật và hợp lý hóa sản xuất, đổi mới sáng tạo trong các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và cá nhân;
d) Chủ trì hoặc phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, xây dựng tiêu chí, quy trình đánh giá sáng chế và nghiên cứu xây dựng các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật áp dụng cho hoạt động khai thác sáng chế và công nghệ;
đ) Nghiên cứu, nhận dạng công nghệ, bí quyết công nghệ từ sáng chế nhằm đáp ứng nhu cầu của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Triển khai các hoạt động nghiên cứu thiết kế, quy trình, tái lập để phục vụ hoạt động hoàn thiện sáng chế - sáng kiến, giải mã - làm chủ, chuyển giao và đổi mới công nghệ;
e) Chủ trì hoặc phối hợp tổ chức xử lý thông tin công nghệ, đánh giá đặc tính, xác định giá trị các thông tin và sản phẩm do Đại diện khoa học và công nghệ ở nước ngoài, các tổ chức và cá nhân cung cấp chuyển giao, đưa vào khai thác;
g) Tìm kiếm sáng chế phù hợp và tư vấn chuyển giao công nghệ cho tổ chức, cá nhân; tìm kiếm, phân tích và đánh giá các sáng chế có tiềm năng thương mại hoá; quảng bá, giới thiệu sáng chế có tiềm năng đến cá nhân, tổ chức có nhu cầu; tổ chức các hoạt động kết nối giữa nhà đầu tư và các chủ sở hữu sáng chế có khả năng thương mại hoá;
h) Triển khai thực hiện và tư vấn hoạt động mua, giới thiệu, nghiên cứu hoàn thiện sáng chế, sáng kiến đã được áp dụng hiệu quả ở quy mô nhỏ để chuyển giao cho doanh nghiệp áp dụng, nhân rộng;
i) Thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có liên quan đến thông tin sở hữu trí tuệ thuộc các chương trình, đề tài, dự án của Nhà nước (trung ương và địa phương) và của tổ chức; các nhiệm vụ tìm kiếm, nhận dạng, chuyển giao quyền đối với sáng chế và bí quyết công nghệ;
k) Tổ chức, thực hiện hoạt động huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ về khai thác thông tin sở hữu trí tuệ; tuyên truyền, phổ biến kinh nghiệm về ứng dụng, khai thác thông tin sở hữu trí tuệ; tổ chức sự kiện tôn vinh các tổ chức và cá nhân có thành tích nổi bật trong hoạt động khai thác thông tin sáng chế; tổ chức các hoạt động hội nghị, hội thảo, diễn đàn, triển lãm, kết nối các nhà sáng chế với tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp, các nhà đầu tư.
5. Nghiên cứu khoa học về sở hữu trí tuệ và tài sản trí tuệ, khai thác công nghệ từ sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn
a) Các vấn đề về tạo dựng, xác lập quyền, khai thác, thương mại hóa, phát triển, bảo vệ và quản trị tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ;
b) Các cơ chế, chính sách quản lý, phát triển tài sản trí tuệ, đổi mới sáng tạo; c) Các vấn đề về cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, khuynh hướng phát triển, cơ chế và chính sách bảo hộ thích hợp;
d) Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và khả năng áp dụng trong điều kiện của Việt Nam;
e) Nghiên cứu nhận dạng, tìm kiếm, giải mã công nghệ từ các sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn.
6. Ký kết các hợp đồng khoa học và công nghệ và các hợp đồng khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Viện; tham gia đấu thầu, tuyển chọn trong các chương trình, dự án, nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Nhà nước liên quan đến sở hữu trí tuệ; khai thác và đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo.
7. Hợp tác quốc tế về giám định, hỗ trợ và tư vấn, huấn luyện, khai thác thông tin, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
8. Thực hiện những nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao./.