Viện Khoa học sở hữu trí tuệ chủ trương kết hợp việc tự nghiên cứu và giới thiệu hoặc ứng dụng các kết quả nghiên cứu của các cá nhân, tổ chức khác.
Tiêu chuẩn và mục đích cao nhất mà Viện hướng tới trong hoạt động nghiên cứu là tính hữu ích và khả năng ứng dụng thiết thực của các sản phẩm nghiên cứu. Trước mắt, nghiên cứu ứng dụng được coi là hướng nghiên cứu ưu tiên.
Chủ đề (nội dung) nghiên cứu được quan tâm: (i) Các khía cạnh kinh tế liên quan đến tài sản trí tuệ (định giá, thương mại hóa tài sản trí tuệ; tài sản trí tuệ trong kinh doanh, mua bán / sáp nhập / phá sản doanh nghiệp; thuế đối với tài sản trí tuệ); (ii) Quản trị và marketing đối với tài sản trí tuệ; (iii) Quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp và hành chính; (iv) Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (cơ chế, khuynh hướng phát triển, toàn cầu hóa); (v) Các vấn đề liên quan đến hoạt động giám định sở hữu trí tuệ (mô hình tổ chức, các hoạt động nghiệp vụ liên quan đến các loại quyền sở hữu trí tuệ khác nhau...).
Nhiệm vụ nghiên cứu được xác định từ các nguồn: (i) Do Bộ Khoa học và Công nghệ giao trong kế hoạch nghiên cứu hàng năm dựa trên cơ sở đề xuất của Viện; (ii) Trên cơ sở hợp đồng nghiên cứu với các tổ chức, doanh nghiệp khác; (iii) Trên cơ sở liên kết, phối hợp với các tổ chức khác.
Sản phẩm nghiên cứu được coi là tài sản của Viện hoặc của chủ đầu tư nghiên cứu tuân theo các điều khoản về việc phân chia quyền sở hữu đối với sản phẩm đó trong hợp đồng nghiên cứu hoặc tuân theo pháp luật. Viện coi trọng việc đưa các sản phẩm nghiên cứu vào ứng dụng trong hoạt động chuyên môn tại Viện hoặc chuyển giao để ứng dụng trong thực tiễn ngoài Viện.