Sáng ngày 23/12/2020, tại Hà Nội, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Viện) cùng với các đơn vị trong Khối Viện thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và xây dựng phương hướng nhiệm vụ năm 2021.
Tham dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), cùng tham dự còn có đại diện các đơn vị chức năng của Bộ KH&CN, lãnh đạo và các cán bộ chủ chốt của các đơn vị trong Khối Viện.
Tại Hội nghị, Viện cùng các đơn vị trong Khối đã báo cáo kết quả công tác năm 2020 và các phương hướng nhiệm vụ năm 2021.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020
và phương hướng nhiệm vụ năm 2021 của Khối Viện
Năm 2020, Viện đã đạt được những kết quả chính sau đây:
- Về công tác nghiên cứu khoa học: Viện được Bộ giao thực hiện 03 đề tài cấp Bộ và 09 đề tài cấp cơ sở, cụ thể như sau: 02 đề tài cấp bộ đã hoàn thành một số nội dung nghiên cứu và đang hoàn thiện các sản phẩm theo thuyết minh được phê duyệt. Các Hội thảo thuộc khuôn khổ của các đề tài cũng đã được tổ chức trong tháng 10, 11 và 12/2020 tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Các bài báo là kết quả của các đề tài cũng đã được đăng, hoặc đang gửi đăng trên Tạp chí chuyên ngành. 09 đề tài cấp cơ sở đều được triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, định kỳ báo cáo theo tháng và đã tổ chức các buổi trao đổi, thảo luận chuyên môn về các nội dung đã nghiên cứu. Các nội dung nghiên cứu đã hoàn thành và được nghiệm thu trong tháng 12/2020.
- Về thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ: Dự án “Tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp bảo hộ, quản trị tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước”: đã hoàn thành các công việc, nội dung của Dự án như: tiếp nhận và tổ chức thực hiện các yêu cầu tư vấn, hỗ trợ về sở hữu trí tuệ; đào tạo huấn luyện về quản trị tài sản trí tuệ …. Dự án đã được nghiệm thu cấp cơ sở và đang hoàn thiện chờ nghiệm thu cấp Nhà nước.
- Về công tác đào tạo, thông tin về sở hữu trí tuệ: Viện tiếp tục phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh triển khai các khóa đào tạo “Quản trị viên tài sản trí tuệ” theo hình thức module theo 3 cấp độ với hơn 150 lượt học viên tham gia. Ngoài ra, tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng về quản trị tài sản trí tuệ cho một số doanh nghiệp/tập đoàn (Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình), Viện nghiên cứu (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam).
- Về hoạt động thông tin về sở hữu trí tuệ: Tháng 5/2020, Viện được Lãnh đạo Bộ giao quản lý, vận hành Nền tảng dự liệu và dịch vụ SHCN (Nền tảng IPPLATFORM) – kết quả Dự án “Thiết lập, duy trì và phát triển cơ sở dữ liệu thông tin trực tuyến về đối tượng sở hữu công nghiệp và công cụ khai thác phục vụ doanh nghiệp nhỏ và vừa”. Hiện Nền tảng IPPlatform đang được quản lý, vận hành hiệu quả và phục vụ đắc lực công chúng, doanh nghiệp như: Tư vấn, hướng dẫn khai thác Nền tảng; tổ chức đưa thông tin sở hữu công nghiệp (SHCN) và dịch vụ SHCN đến gần với công chúng, doanh nghiệp cũng như phục vụ công tác quản lý nhà nước về SHTT/quản trị TSTT của các Sở KHCN/các viện, trường đại học và doanh nghiệp thông qua việc hợp tác, thiết lập và vận hành các Trạm Khai thác thông tin và Sử dụng dịch vụ sở hữu công nghiệp – Trạm IPPLATFORM của các Sở KH&CN; các tổ chức hỗ trợ, bổ trợ, thực thi về SHCN; các viện, trường, doanh nghiệp…. Tính đến ngày 15/12/2020, Viện đã thiết lập được 9 Trạm IPPlatform tại các địa phương trên cả nước.
- Về hoạt động tư vấn: Trong năm 2020 (tính đến ngày 15/12/2020), Viện đã thực hiện 283 vụ việc tư vấn. Hoạt động tư vấn được thực hiện chuyên môn hóa để kịp đáp ứng nhu cầu tư vấn về hoạt động giám định nhằm hỗ trợ cho hoạt động thực thi quyền sở hữu công nghiệp ngày càng tăng. Nội dung tư vấn chủ yếu đề cập đến việc giải thích quy trình, thủ tục nộp đơn giám định, phí giám định và giải đáp những thắc mắc nảy sinh trong quá trình giám định, giải thích kết luận giám định.
- Về hoạt động giám định SHCN: Tính đến cuối Tháng 12/2020, Viện đã tiếp nhận, thụ lý và đưa ra kết luận giám định cho 1039 Hồ sơ giám định (trong đó có 856 Hồsơ Nhãn hiệu, 133 Hồ sơ Kiểu dáng công nghiệp, 48 Hồ sơ Sáng chế và 02 hồ sơ Chỉ dẫn địa lý). Hồ sơ giám định được tiếp nhận, xử lý đúng quy trình, chất lượng tốt đúng tiến độ theo yêu cầu. Kết luận giám định tiếp tục được sử dụng như một nguồn chứng cứ quan trọng phục vụ hiệu quả cho việc giải quyết tranh chấp, xâm phạm quyền SHTT. Đặc biệt, trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch COVID-19 và thực hiện cách ly toàn xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Viện đã nhanh chóng áp dụng các hình thức cung cấp dịch vụ phù hợp, như nhận/trả đơn trực tuyến, giao dịch qua đường bưu điện, hỗ trợ giảm giá dịch vụ cho doanh nghiệp/cá nhân bị ảnh hưởng của dịch bệnh… Do đó, trong khoảng thời gian này hoạt động giám định về SHTT vẫn bảo đảm thông suốt, thường xuyên, với gần 100 hồ sơ được tiếp nhận và xử lý đảm bảo tiến độ và chất lượng, đáp ứng yêu cầu của người nộp đơn.
- Về hoạt động đào tạo, hợp tác quốc tế: Về Hợp tác quốc tế, năm 2020, mặc dù Viện không được cấp kinh phí để triển khai hoạt động đối ngoại, tuy nhiên để duy trì và tiếp tục mối quan hệ hợp tác quốc tế về nghiên cứu, đào tạo và giám định sở hữu trí tuệ, Viện phối hợp với Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), Mạng lưới sở hữu trí tuệ Đông Nam Á thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (SEAIPJ) xây dựng chương trình và tổ chức hội thảo với chủ đề “Nhãn hiệu và công cụ khai thác thông tin sở hữu công nghiệp phục vụ hoạt động quản trị tài sản trí tuệ” vào tháng 2.2020 tại thành phố Đà Nẵng.
Năm 2021, Viện xác định phương hướng nhiệm vụ chính sau:
- Công tác nghiên cứu khoa học: Tiếp nối các kết quả nghiên cứu đã đạt được, năm 2021, Viện tiếp tục thực hiện 02 đề tài cấp Bộ, đề xuất thực hiện 02 đề tài cấp Bộ và 09 đề tài cấp cơ sở về các vấn đề sở hữu trí tuệ khác nhau nhằm đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn
- Công tác đào tạo, huấn luyện về sở hữu trí tuệ: Tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ Viện, hoàn thiện chương trình và triển khai với quy mô rộng hơn công tác đào tạo quản trị viên tài sản trí tuệ, tổ chức các khóa đào tạo/tập huấn về sở hữu trí tuệ, đặc biệt là về các khía cạnh kinh tế và tài chính của quyền sở hữu trí tuệ dành cho đối tượng là cán bộ quản lý khoa học công nghệ và doanh nghiệp, phối hợp với các tổ chức/cá nhân trong và ngoài nước tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên ngành về sở hữu trí tuệ.
- Công tác thông tin SHCN: Tiếp tục quản lý, vận hành hiệu quả Nền tảng dữ liệu và dịch vụ SHCN (Nền tảng IPPLATFORM) phụ vụ công chúng, doanh nghiệp: Tư vấn, hướng dẫn khai thác Nền tảng; tổ chức đưa thông tin SHCN và dịch vụ SHCN đến gần với công chúng, doanh nghiệp cũng như phục vụ công tác quản lý nhà nước về SHTT/quản trị TSTT của các Sở KHCN/các viện, trường đại học và doanh nghiệp thông qua việc hợp tác, thiết lập và vận hành các Trạm Khai thác thông tin và Sử dụng dịch vụ sở hữu công nghiệp – Trạm IPPLATFORM của các Sở KH&CN; các tổ chức hỗ trợ, bổ trợ, thực thi về SHCN; các viện, trường, doanh nghiệp…. Kiện toàn đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin. Tập trung đào tạo cán bộ hiện có của đơn vị về quản trị hệ thống phần mềm, quản trị cơ sở dữ liệu sở hữu công nghiệp và giám định nhằm đáp ứng yêu cầu công việc.
- Công tác giám định, định giá về sở hữu trí tuệ: Tiếp tục phát triển dịch vụ giám định về SHTT theo yêu cầu/trưng cầu của các cơ quan/tổ chức/cá nhân: tiếp tục nhận, xử lý và thực hiện nội dung giám định theo trưng cầu, yêu cầu theo quy chế nghiệp vụ giám định của Viện; tiếp tục xây dựng và phát triển các cơ sở dữ liệu và công cụ khai thác mạng lưới chuyên gia và các nguồn tư liệu tham khảo cần thiết để thực hiện dịch vụ giám định, định giá về sở hữu trí tuệ
Viện Khoa học sở hữu trí tuệ