Trong khuôn khổ hợp tác, ngày 04/10/2017, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Viện KHSHTT) và Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đã phối hợp tổ chức buổi Tọa đàm với chủ đề “Xác định khả năng tương tự gây nhầm lẫn đối với nhãn hiệu – thực tiễn ở Nhật Bản và Việt Nam”. Mục tiêu của tọa đàm là làm rõ phương pháp đánh giá khả năng tương tự gây nhầm lẫn đối với nhãn hiệu được áp dụng trong việc giải quyết tranh chấp, xử lý xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu. Tham dự buổi tọa đàm có đại diện của một số tổ chức khoa học và công nghệ, các luật sư và chuyên gia trong lĩnh vực nhãn hiệu của Nhật Bản và Việt Nam.
Đại diện của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và Viện Khoa học sở hữu trí tuệ tại Tọa đàm
Tại buổi Tọa đàm, Ông Tomoya Kurokawa (Luật sư SHTT từ Công ty Luật và Sáng chế Soei), Ông Atsushi Iwakiri (Tập đoàn Panasonic) và Ông Shigehiro Kondo (Công ty Yamaha Motor) đã giới thiệu cụ thể về các tiêu chí, phương pháp đánh giá khả năng tương tự gây nhầm lẫn đối với nhãn hiệu và thực tiễn tại Cơ quan Sáng chế và Tòa án Nhật Bản. Ông Nguyễn Hữu Cẩn – Phó Viện trưởng Viện KHSHTT đã giới thiệu về quy trình giám định theo yêu cầu của các tổ chức, cá nhân và phương pháp đánh giá khả năng tương tự gây nhầm lẫn đối với nhãn hiệu của Viện KHSHTT. Những vấn đề lý luận và thực tiễn của Nhật Bản và Việt Nam liên quan đến đánh giá khả năng tương tự gây nhầm lẫn đối với nhãn hiệu đã được làm sáng tỏ hơn qua thảo luận về những vụ việc điển hình.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Kết thúc Tọa đàm, Ông Nguyễn Hữu Cẩn – Viện KHSHTT và Ông Motoki Takada – JETRO cũng bày tỏ mong muốn sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác nghiên cứu chuyên môn và tổ chức các hội thảo, tọa đàm nhằm chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm không chỉ liên quan đến kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu mà còn mở rộng tới các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ khác như sáng chế, chỉ dẫn địa lý... Bên cạnh việc tổ chức tọa đàm tại Hà Nội, trong tương lai hai bên cũng hướng tới tổ chức tọa đàm tại một số địa phương khác nhằm đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Nguồn: Viện KHSHTT