Sáng nay (13/10), Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật Hà Nội đã tổ chức hội nghị đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT).
Dự hội nghị có các đồng chí Thường trực, Ủy viên Thường vụ Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật Hà Nội, lãnh đạo các Hội, đơn vị trực thuộc Liên hiệp Hội Hà Nội; đặc biệt Hội nghị còn có sự tham gia của Phó Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ Nguyễn Hữu Cẩn cùng chuyên viên của một số sở ngành TP.Hà Nội, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội.
Tiến sĩ Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật Hà Nội phát biểu khai mạc
Như chúng ta biết, việc bảo đảm quyền sở hữu là một vấn đề hết sức quan trọng. Ở Việt Nam, Luật Sở hữu trí tuệ được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2006.
Sau hơn 15 năm thi hành, nó đã tạo hành lang pháp lý thúc đẩy và bảo đảm cho các hoạt động sáng tạo cho mọi thành phần, trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị xã hội và nhân văn, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần khuyến khích hoạt động sáng tạo, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, trước thực tiễn phát triển không ngừng của đất nước, sự ra đời và hoàn thiện của hệ thống pháp luật trong hơn 15 năm qua cho thấy, Luật Sở hữu trí tuệ dần phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập nhất định. Đặc biệt, Việt Nam đã tham gia ký kết nhiều hiệp ước quốc tế, hiệp định song phương và đa phương (gọi chung là điều ước quốc tế ), do đó để bảo đảm thi hành điều ước quốc tế mà Việt Nam đã và đang đàm phán hoặc đã ký kết, phê chuẩn, thì bắt buộc chúng ta phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Phó Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ Nguyễn Hữu Cẩn phát biểu tại Hội nghị
Chính vì lẽ đó, việc sửa đổi, bổ sung này nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế, nội luật hóa các cam kết để phù hợp với thông lệ quốc tế, khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, quyền SHTT được bảo vệ và thực thi hiệu quả, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về SHTT, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tiến sĩ Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật Hà Nội nhấn mạnh tầm quan trọng của Luật sở hữu Trí tuệ, đặc biệt, việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Theo Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học - Kỹ thuật Hà Nội, cùng với quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng hiện nay và Việt Nam chúng ta tham gia nhiều cam kết quốc tế càng đòi hỏi việc nội luật hóa thông qua sửa đổi, bổ sung Luật SHTT để hướng đến việc nâng cao mức độ bảo hộ và thực thi quyền SHTT ngày một hiệu quả hơn.
Với tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ trí thức Thủ đô, Hội nghị đã được nghe nhiều tham luận có giá trị, nhiều ý kiến đóng góp thiết thực. Đặc biệt là sự nhất trí đánh giá cao về tình thần trách nhiệm của Ban soạn thảo, đã tập trung nhiều thời gian, công sức, trí tuệ và kỹ năng để đưa ra bản dự thảo này.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng cho rằng, bản dự thảo đã có nhiều tiếp thu, chỉnh sửa bổ sung tương đối đầy đủ. Song, vẫn cần xem xét, đẩy mạnh cải cách quy trình hoàn thiện hồ sơ pháp lý và giảm thời gian chờ đợi…Đồng thời, các đại biểu cũng trao đổi nhiều nội dung liên quan đến quy định về sở hữu công nghiệp; quy định về quyền đối với giống cây trồng trong dự thảo; đồng thời làm rõ các khái niệm, thuật ngữ...
Phát biểu kết luận hội nghị, Tiến sĩ Lê Xuân Rao đã đánh giá cao và ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu cho dự thảo; đồng thời cho biết những ý kiến góp ý này sẽ được Liên hiệp Hội Hà Nội tổng hợp và gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.
Theo: husta.org.vn