Ngày 25/10/2018, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (“Viện KHSHTT”) đã có buổi làm việc với Hiệp hội Đại diện Sáng chế Nhật Bản (JPAA).
Tham dự buổi làm việc, về phía Viện KHSHTT có ông Nguyễn Hữu Cẩn, Phó Viện trưởng cùng các lãnh đạo phòng. Phía Nhật Bản, có bà Takao Koshikawa, Phó tổng giám đốc Trung tâm hoạt động quốc tế JPAA; ông Michiko Oi, Chủ tịch Ủy ban SHTT Quốc tế; ông Atsuko Miura, Phó chủ tịch Ủy ban SHTT Quốc tế; ông Kanako Yashiro, Phó chủ tịch Ủy ban SHTT Quốc tế, thuộc Chi nhánh Tokai của JPAA và các chuyên gia sáng chế là thành viên của Ủy ban SHTT Quốc tế thuộc Chi nhánh Tokai; ông Norihisa KATO, Trưởng bộ phận sở hữu trí tuệ khu vực Đông Nam Á, thuộc JETRO và đại diện của một số công ty luật của Nhật Bản.
Buổi làm việc giữa Viện KHSHTT với Hiệp hội Đại diện Sáng chế Nhật Bản (JPAA)
Tại buổi làm việc, các đại diện của JPAA đã chia sẻ với Viện KHSTTT về một số nội dung sau:
- Nội dung 1: Kết quả khảo sát về mức độ quan tâm của doanh nghiệp Nhật Bản đến thị trường và sở hữu trí tuệ của Việt Nam;
- Nội dung 2: Giới thiệu về Luật Mẫu hữu ích (GPHI) của Nhật Bản: Khái niệm, đối tượng bảo hộ, sự khác biệt với sáng chế, điều kiện bảo hộ, đánh giá điều kiện bảo hộ, thời hạn bảo hộ, việc thực thi quyền…;
- Nội dung 3: Giới thiệu về việc đăng ký các nhãn hiệu phi truyền thống (Non-Traditional Trademarks) tại Nhật Bản gồm: Nhãn hiệu âm thanh (Sound Marks), Nhãn hiệu màu sắc (Color Marks), Nhãn hiệu vị trí (Position Marks), Nhãn hiệu chuyển động (Motion Marks) và Nhãn hiệu hình ảnh ba chiều (Hologram Marks).
Theo thống kê của JPAA, đến 19/09/2017:
Loại nhãn hiệu | Số đơn đăng ký | Số văn bằng được cấp |
Nhãn hiệu âm thanh | 566 | 172 |
Nhãn hiệu màu sắc | 509 | 2 |
Nhãn hiệu vị trí | 376 | 35 |
Nhãn hiệu chuyển động | 126 | 83 |
Nhãn hiệu hình ảnh ba chiều | 17 | 11 |
(Nguồn: JPAA)
Đại diện của JPAA chia sẻ thông tin tại buổi làm việc
Về phía Viện KHSHTT, ông Nguyễn Hữu Cẩn, Phó viện trưởng cũng đã chia sẻ với JPAA các thông tin, kết quả hoạt động giám định SHTT tại Viện KHSHTT nói chung và thông tin về hoạt động giám định SHTT liên quan đến các doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng, những khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp Nhật Bản thường gặp phải trong quá trình yêu cầu giám định SHTT. Qua đây, ông Nguyễn Hữu Cẩn cũng đã chia sẻ thêm với các đại diện của JPAA về hệ thống pháp luật SHTT của Việt Nam, các thủ tục để thực hiện các quyền được bảo hộ và quy trình xử lý xâm phạm quyền SHTT tại Việt Nam.
JPAA đánh giá cao hoạt động giám định SHTT đã và đang thực hiện của Viện KHSHTT và tin tưởng rằng trong tương lai, hoạt động này sẽ ngày càng trở nên quan trọng đối với xã hội, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp, không chỉ doanh nghiệp Việt Nam mà bao gồm cả các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản.
Kết thúc buổi làm việc, ông Nguyễn Hữu Cẩn, Phó viện trưởng Viện KHSHTT và bà Takao Koshikawa, Phó tổng giám đốc Trung tâm hoạt động quốc tế JPAA nhấn mạnh rằng, các thông tin được hai bên chia sẻ đều là những thông tin rất hữu ích, hai bên mong muốn tiếp tục triển khai nhiều hơn nữa các hoạt động chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hộ và thực thi quyền SHTT tại Việt Nam và Nhật Bản./.
Viện KHSHTT