Toggle Menu

Hoạt động SHTT trong nước

Tập huấn “Thẩm định giá kết quả nghiên cứu khoa học”

Ngày 20/06/2019, tại thành phố Hồ Chí Minh (TP. Hồ Chí Minh), Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Viện KHSHTT) tổ chức tập huấn "Thẩm định giá kết quả nghiên cứu khoa học".
Tham dự tập huấn có đại diện của các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan quản lý sở hữu trí tuệ (SHTT) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. 

TS. Nguyễn Hữu Cẩn – Phó Viện trưởng Viện KHSHTT

Tại buổi tập huấn, TS. Nguyễn Hữu Cẩn, Phó Viện trưởng Viện KHSHTT đã giới thiệu về mục đích, vai trò, nội dung, phương pháp, yêu cầu, trình tự và thủ tục thẩm định giá tài sản trí tuệ (TSTT) nói chung và kết quả nghiên cứu khoa học nói riêng.

Theo tiêu chuẩn thẩm định giá của Việt Nam, việc thẩm định giá kết quả nghiên cứu khoa học được thực hiện bằng ba nhóm phương pháp cơ bản: Phương pháp chi phí; Phương pháp thị trường (so sánh) và Phương pháp thu nhập.

Trong đó, nhóm phương pháp thị trường sẽ xác định giá trị của kết quả nghiên cứu khoa học căn cứ vào việc so sánh, phân tích thông tin của các TSTT tương tự có giá giao dịch trên thị trường.

Nhóm phương pháp chi phí căn cứ vào chi phí tái tạo ra kết quả nghiên cứu khoa học giống nguyên mẫu với tài sản cần thẩm định giá hoặc chi phí thay thế để tạo ra một TSTT tương tự có cùng chức năng, công dụng theo giá thị trường hiện hành.

Nhóm phương pháp thu nhập sẽ tiến hành xác định giá trị của kết quả nghiên cứu khoa học thông qua giá trị hiện tại của các dòng thu nhập, hoặc các chi phí tiết kiệm do TSTT mang lại. Theo phương pháp này, giá trị TSTT là giá trị hiện tại của dòng thu nhập có được từ TSTT trong tương lai với tỷ lệ chiết khấu thích hợp.

Đề cập đến vấn đề thẩm định giá TSTT, TS. Nguyễn Hữu Cẩn lưu ý rằng “sự khác biệt” của TSTT hàm chứa trong sản phẩm và dịch vụ là yếu tố quyết định sự lựa chọn của người tiêu dùng. Ông cũng nhấn mạnh rằng, giá trị sử dụng của TSTT chỉ thể hiện khi chúng được “tiêu dùng”, thông qua trao đổi, biểu hiện bằng giá cả. Giá trị TSTT còn được thể hiện bằng tổng lợi ích mà xã hội sẵn sàng trả cho “sự khác biệt” có trong mỗi đơn vị sản phẩm/dịch vụ.

Ông Võ Hưng Sơn, Trưởng phòng Quản lý SHTT - Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh

Tại buổi tập huấn, ông Võ Hưng Sơn, Trưởng phòng Quản lý SHTT - Sở KH&CN TP. Hồ Chí Minh cho biết, tổ chức được giao quyền sẽ tiến hành thẩm định kết quả nghiên cứu KH&CN, TSTT để xác định lợi nhuận tạo ra từ việc sử dụng những kết quả và TSTT đó. Việc thẩm định giá này còn được thực hiện khi chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, TSTT./.

VPĐD Viện KHSHTT tại TP. HCM

Tin cùng chuyên mục

Tin mới cập nhật