Toggle Menu

Tin nổi bật

Hoạt động SHTT Quốc tế

Viện Khoa học sở hữu trí tuệ làm việc và đồng tổ chức Hội thảo “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quản trị tài sản trí tuệ ở nước ngoài” tại Trung tâm Thông tin và Đào tạo sở hữu trí tuệ Nhật Bản – INPIT

Sáng ngày 09.11.2017, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ đã sang thăm, làm việc tại Trung tâm Thông tin và Đào tạo sở hữu trí tuệ Nhật Bản (INPIT) - đối tác của Viện trong các lĩnh vực hợp tác quốc tế về nghiên cứu, đào tạo SHTT trong nhiều năm qua. INPIT được thành lập từ năm 1884 và hiện là một cơ quan độc lập (sau khi tách khỏi Cơ quan sáng chế Nhật Bản JPO vào năm 2001) chuyên cung cấp các dịch vụ thông tin SHTT và đào tạo, nâng cao năng lực SHTT cho các cán bộ của Cơ quan SHTT Nhật Bản (JPO) cũng như các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực SHTT tại Nhật Bản.

Đây là cuộc họp song phương lần thứ ba giữa INPIT và Viện. Phía bạn có Ông Toshio Taniyama, Trưởng phòng và Giám đốc Phát triển nguồn nhân lực và một số thành viên của INPIT tham dự cuộc họp. Tại đây, hai Bên đã có một số thảo luận về việc trao đổi thông tin về đào tạo và tài liệu giảng dạy về SHTT; trao đổi thông tin về dịch vụ thông tin SHTT. INPIT đề xuất hai bên sẽ trao đổi thông tin hữu ích cho các doanh nghiệp nước ngoài đang mở rộng hoạt động của mình vào mỗi nước và sẽ chia sẻ danh sách cụ thể thông tin với Viện.

Viện KHSHTT làm việc với INPIT

Phía Nhật Bản, bày tỏ mong muốn được hợp tác với Viện trong thời gian sớm nhất về các lĩnh vực đào tạo quản trị TSTT cho khu vực doanh nghiệp; nghiên cứu khía cạnh kinh tế của quyền SHTT và các lĩnh vực cụ thể khác có lợi ích thiết thực cho cả hai bên. Mục tiêu trong thời gian tới là xây dựng kế hoạch hợp tác dài hạn với phía Nhật Bản, cụ thể trên cơ sở ký kết bản ghi nhớ và hợp tác trên cơ sở Nghị định thư và kế hoạch hành động giữa Viện với INPIT trong thời gian sớm nhất nếu được các cấp có thẩm quyền của hai bên phê duyệt. 

Chiều cùng ngày, Viện cùng INPIT đã tổ chức Hội thảo “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quản trị tài sản trí tuệ ở nước ngoài”.
Tại đây, phần lớn thời lượng dành cho Viện trình bày báo cáo tham luận về “Thực trạng phát triển tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp và đóng góp kinh tế của tài sản trí tuệ”. Báo cáo nêu rõ thực trạng tạo dựng, xác lập độc quyền, thương mại hóa TSTT của doanh nghiệp Việt Nam, xu hướng chuyển dịch TSTT cho doanh nghiệp nước ngoài, tình hình sử dụng sáng chế trong các ngành công nghiệp của Việt Nam và đóng góp của sáng chế vào GDP, từ đó nêu ra những thuận lợi, khó khăn đối với doanh nghiệp Nhật Bản và chiến lược quản trị TSTT nhằm thích ứng với môi trường thể chế SHTT tại Việt Nam.

Tiếp theo, Ông Kenta Sakurai (HONDA) cũng trình bày tham luận “Hoạt động SHTT của Honda tại Việt Nam” và Ông Masa Koyama (INPIT) trình bày tham luận về “Những vấn đề SHTT trong thương mại quốc tế”. Bài trình bày của các chuyên gia đã nêu những vấn đề thực tiễn mà doanh nghiệp Nhật Bản gặp phải khi hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, trong đó có nhấn mạnh đến việc xử lý nạn hàng giả, hàng nhái. 


Hội thảo “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa quản trị tài sản trí tuệ ở nước ngoài” tại INPIT.

Tham dự Hội thảo có các đại biểu đến từ các doanh nghiệp, trường đại học… đã và đang có hoạt động cũng như có mối quan tâm đến hoạt động khai thác, bảo vệ quyền SHTT tại Việt Nam. Các câu hỏi về tư vấn pháp luật, môi trường đầu tư, bảo vệ quyền… được đặt ra và đã được các diễn giả tư vấn và giải đáp thỏa đáng.

Ngày 08.11.2017, Viện cũng có buổi làm việc tại trụ sở của Hội Sở hữu trí tuệ Nhật Bản (JIPA)

 JIPA là một tổ chức phi chính phủ phi lợi nhuận, có 1.287 thành viên, đại diện cho các ngành công nghiệp và tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực SHTT. JIPA cũng  cung cấp những ý kiến tư vấn phù hợp, kịp thời về việc cải tiến hệ thống SHTT cho các tổ chức liên quan trên khắp thế giới.

Tại buổi làm việc, một số thành viên như Honda Motor Co. Ltd., Unicharm Cor., SME Support Center Tokyo Metropolitan, Shinjyu  GIP … đã thể hiện sự quan tâm tới công tác giám định SHTT của Viện và mong muốn được cập nhật tình hình giám định liên quan tới các vụ việc tranh chấp ở Việt Nam trong thời gian qua. Viện đã giới thiệu khái quát về hoạt động giám định, phương pháp và quy trình giám định, tình hình xử lý và xu hướng sử dụng dịch vụ giám định SHTT trong thời gian tới để các doanh nghiệp Nhật Bản hiểu hơn về hoạt động này. Các thành viên mong muốn được Viện cung cấp thông tin nếu có vụ việc phát sinh liên quan tới quyền SHTT của các doanh nghiệp Nhật Bản. 



Nguồn: Viện KHSHTT











Tin mới cập nhật